Nước mưa xâm nhập vào bình xăng mà không phát hiện kịp thời và đưa ra hướng xử lý sẽ gây hư hại cho xe ô tô, ảnh hưởng đến tuổi thọ động cơ và tốn tiền khắc phục.
Nhận diện tình trạng xăng nhiễm nước
Hiện tượng thường thấy khi xăng nhiễm nước là xe khó khởi động. Cụ thể ở đây là xe khó nổ hoặc đề không nổ. Nếu xe nổ máy được thì cũng giảm khả năng tăng tốc, hụt hơi khi đạp ga. Nếu vận hành với vòng tua thấp thì xe dễ bị rung giật hoặc chết máy.
Nếu bình xăng bị xước xâm nhập lâu ngày sẽ có hiện tượng lắng đọng lại dưới đáy bình do xăng nhẹ hơn nước. Khi đó, nước kết hợp với những cặn bẩn làm han gỉ vỏ bình xăng và làm hư hỏng cụm bơm nhiên liệu.
Các bước xử lý tình trạng xăng nhiễm nước
Để xử lý hiện tượng xăng nhiễm nước, điều đầu tiên bạn cần làm là đưa xe tới gara để được kỹ thuật viên kiểm tra, khắc phục lỗi. Không nên tin vào lời quảng cáo, sử dụng chất phụ gia tăng chỉ số octance đổ vào bình xăng với hy vọng cải thiện tình trạng trên.
Các kĩ thuật viên sẽ tiến hành tháo hạ bình xăng để rửa lại bình, loại bỏ cặn bám và lượng xăng nhiễm bẩn ra khỏi bình xăng. Quy trình này thường làm trong khoảng 2 ngày nếu gara không đủ nhân lực.
Tiếp theo, kỹ thuật viên sẽ tiến hành vệ sinh béc phun xăng, kiểm tra và làm sạch bugi, vệ sinh cụm bơm nhiên liệu và thay bộ lọc mới. Nếu nhận thấy nước xâm nhập làm hỏng bơm xăng, kỹ thuật viên sẽ thay thế cả cụm bơm và lọc nhiên liệu.
Chi phí hạ và xúc rửa bình xăng sẽ dao động tùy thuộc vào từng loại xe. Nếu kiểm tra kim phun, bơm nhiên liệu bị hỏng, bạn sẽ tốn thêm một khoản tiền lớn. Giá chiếc kim phun khoảng 2 triệu đồng. Bơm xăng cũng có giá tiền triệu, tùy vào thương hiệu và hãng xe.
Để hạn chế tình trạng nước mưa nhập vào bình xăng, tài xế nên hạn chế tối đa việc để xe lội nước, tiến hành bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô định kỳ theo đúng khuyến cáo và thường xuyên kiểm tra, vệ sinh xe. Nếu xe hết nhiên liệu mà trời đang mưa to, ngập lụt, bạn có thể tạm dừng việc đổ xăng, đợi cho đến khi tình hình ổn định mới chọn nơi đổ xăng.